Monday, April 28, 2014

NHÀ THƠ TRINH ĐƯỜNG (1-1-1917 – 28-9-2001)

TIỂU SỬ
Trinh Đường tên thật là Trương Đình, sinh ngày 1.1.1917 trong một gia đình nho học, ở làng Phú Xuân, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Các bút danh khác: Trương Phú Xuân, La Vân, Duy Mỹ.
Chịu ảnh hưởng của gia đình, nhất là người cha, ông đã học chữ nho, đọc nhiều thơ Đường, thơ Nguyễn Du và nhiều thơ cổ khác của nước ta. Sau này Trinh Đường lại học tiếng Pháp và thơ phương Tây. Ông yêu thơ và bắt đầu làm thơ từ tuổi thiếu niên. Nhưng thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông chưa công bố thơ.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, làm thư ký Đoàn văn hoá kháng chiến tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (1946).
Từ năm 1947 đến 1954, ông là uỷ viên Ban chấp hành chi hội văn nghệ liên khu 5, phân hội trưởng phân hội văn nghệ Quảng Nam, tiền thân của Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng sau này.
Trong thời gian này, ông tham gia chiến dịch với bộ đội, đi công tác với đoàn công tác dịch hậu, sống với các cơ quan, đơn vị và nhân dân ở vùng kháng chiến và sáng tác được nhiều thơ văn phục vụ cách mạng. Bài thơ đầu tiên của ông được nhiều người biết đến là bài “ Hồi ký đầu thu”.
Sau khi hoà bình lập lại (1954), ông tập kết ra Bắc. Từ đó, ông lần lượt công tác ở các cơ  quan thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban thơ Báo Văn nghệ, biên tập thơ nhà xuất bản Văn học , nhà xuất bản Giải phóng. Tại các cơ quan này , ông có dịp đọc nhiều sách trong và ngoài nước. Ông đã đi vùng mỏ Quảng Ninh, lên Tây Bắc , đi các công trường, nông trường. Những năm đó ông viết sung sức và ông lần lượt cho xuất bản nhiều tập thơ: Hoa gạo, Hạt giống, Thủy triều, Bạch Đằng tráng khúc, Về Thanh.
Trinh Đường là một trong số ít người có công trong việc phát hiện và bồi dưỡng lực lượng viết trẻ, là lực lượng xung kích thời chống Mỹ, sau này là những cây bút chủ lực chủ trì công việc của Hội Nhà văn và các Hội văn nghệ trong cả nước.
Từ 1981, ông về hưu. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn đi khắp Nam Bắc, lên miền ngược xuống miền xuôi để sáng tác, để giới thiệu lực lượng qua các tập Những gương mặt thơ mới, ông tham gia vào việc biên soạn nhiều tập tuyển thơ lớn như Một thế kỷ thơ Việt, Ngày hội thơ (làm thế nào để có thơ hay), Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình.
Trinh Đường còn sáng tác văn xuôi, viết tiểu luận, bình thơ. Ông sáng tác cho cả người lớn và trẻ em.
          Tuổi càng già, thơ văn ông càng trẻ ra, ông càng làm nhiều việc như để chạy đua với thời gian. Ông tiếp tục cho xuất bản các tập thơ: Giao mùa (1982), Quán trọ (1991), Hội hóa trang (1992), Cà Mau (1997), Điện Biên Phủ trên không (1997)....
          Nhà thơ Trinh Đường là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam…
          Sau một thời gian lâm bệnh, nhà thơ Trinh Đường tạ thế tại Hà Nội lúc 15 giờ 10 phút ngày 28 tháng 9 năm 2001 (tức ngày 12 tháng 8 năm Tân Tỵ), hưởng thọ 85 tuổi. Tang lễ nhà thơ được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Thi hài nhà thơ được đưa về an táng tại quê nhà ngày 4-10-2001. Năm 2012, Trinh Đường được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
TÁC PHẨM
          A. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
          1. Thơ
          - Hoa gạo, Nxb Văn học, 1960
          - Hạt giống, Nxb Văn học, 1966
          - Thủy triều, Nxb Văn học, 1973
          - Bạch Đằng tráng khúc (trường ca) , Sở Văn hóa Hồng Quảng, 1963.
          - Về Thanh, Sở Văn hóa Thanh Hóa, 1974.
          - Giao mùa, Nxb Hội Nhà văn, 1982.
- Quán trọ, Nxb Lao động, 1991.
- Hội hóa trang, Nxb Thanh Niên, 1992.
- Trò chơi phù thế (Nxb Thanh niên, 1997).
- Cà Mau (trường ca), Nxb Thanh Niên, 1997.
- Điện Biên Phủ trên không (trường ca), Nxb Đà Nẵng, 1997.
- Thơ Trinh Đường (thơ với tuổi thơ), Nxb Kim Đồng, 2001.
- Tuyển tập thơ Trinh Đường (Thanh Quế tuyển tập chọn và giới thiệu), Nxb Đà Nẵng, 2001.


II. Văn xuôi
- Làm cầu La Kham, ký, 1957.
- Ngày và đêm một lứa đôi, tập truyện ngắn, Nxb Đà Nẵng, 1988.
- Cây thiêng, truyện thiếu nhi.
III. Lý luận phê bình – biên soạn
- Ngày hội thơ, Nxb Văn học, 1994.
- Những gương mặt thơ mới (tập 1, 2), Nxb Thanh Niên, 1994.
­- Thơ và tuổi học trò, Nxb Lao động, 1994.
- Một thế kỷ thơ Việt (tập 1), Nxb Văn hóa thông tin, 1995.
- Thơ Việt thế kỷ XX chọn lọc và bình (tập 1), Nxb Thanh Niên, 1999.
B. NHỮNG TÁC PHẨM SẼ IN
- Trường Sa (thơ) viết từ 1965 – 1971.
- Sóng ngầm vùng nước xoáy (trường ca) viết 1977.
- Quang Trung, viết 1978.
- Tưởng niệm Ức Trai, viết 1980.
- Mở rộng vòng tay (thơ thiếu nhi).
- Một thế kỷ thơ Việt (3 tập).
- Thơ Trinh Đường tự chọn.
- Chiếc nón giữa dòng.
- Những bài thơ viết ở bệnh viện (khoảng 100 bài, chưa có đầu đề cho tập thơ).


TRINH ĐƯỜNG TRỌN ĐỜI VÌ THƠ
Những năm 1957 đến 1962, trong nhiều cuộc họp đồng hương Thừa Thiên ở Vinh và Hà Nội, tôi đã đọc nhiều lần bài thơ “728” của nhà thơ Trinh Đường. Bài thơ này Trinh Đường sáng tác tháng 10 năm 1956 viết về trụ cây số 728 nằm trên bờ bắc sông Bến Hải ở Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, lúc ấy là giới tuyến khu phi quân sự, nơi đất nước tạm thời bị chia cắt.
Như những người miền Nam khác đi tập kết những thập kỷ năm, sáu, bảy mươi sống “ngày Bắc đêm Nam”, tác giả đã phải về quê kiểng “bằng con đường chiêm bao, bằng trận gió ào ào, bằng con mắt băng qua giới tuyến”. Với ba phương tiện trừu tượng ấy, tác giả nhấn mạnh nỗi đau lớn của cả dân tộc chúng ta, và từ một tắc nghẽn trên đường đi dẫn đến một nghẹn uất trong lòng.
Từ những đau xót chung cả nước, nhà thơ nói đến quê hương của mình bằng những lời thơ hàm súc, gợi cảm, qua những địa danh tiêu biểu và một câu ca dao độc đáo: “ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng, Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi”..
Hòa trong niềm xúc động của người nghe, tôi hiểu Trinh Đường đã nói hộ tiếng nói của những người con miền Nam trên đất Bắc trong những năm tháng đáng ghi nhớ ấy.
Sau này, tôi được gặp ông khi ông thường cộng tác với chương trình văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tôi cũng đã được đọc những dòng thơ sảng khoái của Trinh Đường mở đầu tập “Bạch Đằng tráng khúc” (1963).
Bạch Đằng
chảy vào tôi từ tuổi ấu thơ
như dòng máu mẹ
như chuyện đời xưa bà kể
Sông oai linh
đượm  màu sắc hoang đường
mang mang trong trí nhớ
Chiều sớm đùng đùng sóng gió
lòng sông không hề nguôi phẫn nộ
không hề thôi đỏ máu quân Nguyên
Tháng 8 năm 1973, từ chiến trường Trị Thiên Huế tôi ra Bắc. Ở thị xã Đông Hà, tôi được gặp Trinh Đường sau chuyến ông vào Quảng Trị. Ông cùng tôi trở về Hà Nội. Từ đó tôi có dịp hiểu và gần gũi ông hơn.
Theo nhà thơ Thanh Quế thì “cha ông cũng là một nhà nho, đã từng lặn lội đi thi những khoa cuối cùng của triều đình Huế. Rồi cụ đi học tiếng Pháp. Từ tuổi thiếu niên, Trinh Đường chịu ảnh hưởng người cha mê đàn nguyệt. Từ lên năm, ông học ở thị xã Hội An, rồi Huế, vì quá mê thơ nên thi hỏng tú tài, về nhà mua sách tự học chữ Nho. Lúc này ông đã viết thông thạo mọi thể thơ phú vốn có, thể nghiệm mọi trường phái phương Tây và dừng lại ở tượng trưng và siêu thực cùng lúc với thơ Đường, thơ Tagore”[1].
Trong cuốn “Gương mặt các nhà thơ”(Nxb Văn học, Hà Nội, 1998), khi viết về Trinh Đường, nhà thơ Võ Văn Trực cho biết:
“Trong bản tự thuật của Trinh Đường lưu ở Văn phòng Hội Nhà văn, có ghi rõ: “Từ 12, 15 tuổi đã họa thơ với các cụ đồ nho, cho liễn đối và viết văn tế cho bà con trong vùng. Mười lần hơn, đốt mười tập thơ, vì chưa thỏa mãn với mình sau khi đọc câu thơ Đường: “Thi bất kinh nhân tử bất hưu” (có nghĩa là chưa viết được câu thơ động lòng người thì đến chết cũng chưa chịu nghỉ).
Đấy là cốt lõi tính cách của Trinh Đường. Tính cách đó anh giữ trọn cả đời mình. Hồi đã ngoài 60 tuổi, nhà xuất bản Đà Nẵng định in cho anh một tuyển tập thơ. Bản thảo đã xong. Tế Hanh đã viết lời giới thiệu. Chuẩn bị đưa đi nhà in. Trinh Đường quyết định ngừng in tuyển tập với lý do: “In tuyển tập tức là đã bắt đầu khép lại. Tôi chưa khép. Công việc sáng tạo của tôi đang mở ra mênh mông. Nếu in thì tôi sẽ cho in một tập thơ mới hoặc cuốn truyện ngắn mới sáng tác trong vài năm gần đây!”. Chỉ có Trinh Đường mới cực đoan đến như vậy. Có người mới bốn, năm chục tuổi đầu đã muốn làm tuyển tập. Còn Trinh Đường ngoài sáu mươi vẫn còn tràn đầy sinh lực để “mở ra mênh mông”, chưa chịu đóng khép bằng tuyển tập.
Ngoài sáu mươi, ngoài bảy mươi vẫn mê mải những chuyến đi vào Nam ra Bắc, xuống biển lên rừng, chống gậy trèo đèo, xắn quần lội bùn. Hùng hục đi và hùng hục viết. Hàng trăm bài thơ nằm trong sổ nháp. Trở về nhà, trời nắng nhễ nhại mồ hôi, cởi trần, mặc quần xà lỏn, sửa những dòng thơ viết li ti như kiến, rồi đánh máy, rồi đạp xe mang thơ đến các tòa soạn báo. Gặp bạn bè dọc đường, anh nắm chắc ghi đông, xuống xe, nói một cách đầy hào hứng: “Tối qua tôi thức suốt đêm làm một bài thơ đánh đổ cả một đời làm thơ của tôi”. Có hôm trời rét, vừa sáng dậy, anh đạp xe gần năm kilômét đường từ nhà anh đến nhà tôi. Vừa vào cửa, anh liền nói: “Chú Trực! Tôi phải đến gặp chú trước khi chú đi làm!”. Tôi chờ đợi một điều gì quan trọng? Nhưng không phải. Chưa kịp ngồi xuống ghế, anh đã nói tiếp: “Lúc ba giờ sáng nay, đang ngủ, tôi bật dậy làm được hai câu thơ rất hay. Chú phải cố gắng làm được những câu như tôi”. Anh giơ bàn tay, đọc:.
“Thẩn thờ ngắm thử bàn tay
Bên kia da thịt bên này bão giông”
*
Về hưu từ năm 1981 nhưng sức làm việc của Trinh Đường khó có ai bì kịp. Ông tranh thủ từng giờ từng phút. Nhiều đêm, đi ngủ từ tám giờ tối, hai giờ sáng ông dậy làm việc không cần có chuông đồng hồ báo thức. Có nhiều Tết, ông vẫn làm việc cả ngày mồng một. Dù lương hưu ít ỏi, ông vẫn thuê một hộp thư lưu ký ở Bưu điện Hà Nội để nhận thư và thơ của bạn bè trong nước gửi về. Ông chịu khó vì thế địa chỉ phòng 15 nhà C5 Trung Tự, Đống Đa và sau này xóm 16A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành quen thuộc với nhiều bạn thơ. Trinh Đường đi nhiều viết khỏe.
Năm 1981, Trinh Đường  đứng ra lập một nhóm gồm sáu người: Trinh Đường, Ngô Quân Miện, Võ Văn Trực, Nguyễn Thái Vận, Vũ Đình Minh, Trần Phương Trà  để động viên nhau đi thực tế và sáng tác. Các chuyến đi đầu tiên được sự giúp đỡ của anh Đào Phúc Đương, Giám đốc Công ty Ong Trung ương và anh Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Tổng thư ký Hội Nuôi ong Việt Nam. Chúng tôi thường gọi là nhóm Ong và 6 thành viên như sáu cạnh của một hình lục giác trong tổ ong. Chúng tôi ra vùng Cồn Ngạn ở ven biển huyện Xuân Thủy (Nam Định) sống với những người nuôi ong lấy mật hoa vẹt, đến Tiên Lục (Hà Bắc) gặp những người nuôi ong lấy mật hoa bạch đàn, về Thuận Vi xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, Thái Bình với mùa hoa táo, về với mùa hoa nhãn ở Phố Hiến (Hưng Yên), vào Đồng Nai với những người lấy mật từ cây cao su, đến cả những người nuôi ong bên lăng Bác… Nhà thơ Trinh Đường lấy tên nhóm là nhóm “Khuê Văn” và anh em vẫn thường gọi ông bằng cái tên trìu mến là Trinh đoàn trưởng. Có năm tổ chức được 38 chuyến đi thực tế sáng tác. Về sau, các nhà văn, nhà thơ Trần Lê Văn, Vân Long, Vũ Bão, Quang Huy, Xuân Tùng… cũng có những chuyến đi cùng nhóm Khuê Văn. Trinh Đường là một người có ý chí. Ngày trước, gia đình ông khá giả, có một thời gian, mỗi ngày người mẹ ông buộc ông phải ăn hết một con gà nhỏ. Lớn lên ông còn tập võ và chịu khó rèn luyện thân thể. Muốn làm gì thì Trinh Đường quyết làm bằng được. Có ba năm ông đóng cửa, không đi đâu, ngồi nhà đọc sách và học chữ Hán.
Hồi năm 1982 – 1983, Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc thi bút ký. Nhà thơ Trinh Dường nói với tôi:
- Tôi đã làm thơ, nay sẽ viết ký và giật giải cuộc thi của Đài.
Lúc đó Trinh Đường đã 63 tuổi nhưng vẫn hăm hở đi viết. Với bút ký “Mỏ tôm Xào Lưới” ngồn ngộn chất liệu cuộc sống và chi tiết lạ ở đất mũi Cà Mau ông đoạt giải nhất của cuộc thi bút ký. Trinh Đường luôn tâm niệm:
Không làm một tia chớp
Sống làm gì cho lâu
Và:
Ngày nào viết được câu thơ
Mới là ngày tồn tại
Bao tháng ngày còn lại
Đều ở ngoài số tuổi đời tôi.
Ngẫu bút (Hội hóa trang)
Trinh Đường lặn lội đến với vùng đèo Khe Nét gian khổ của những công nhân đường sắt ở Quảng Bình, về mỏ đá Mỹ Trang ở Quảng Nam, đến nhiều ga, nhiều cung đường. Đó là một duyên nợ như câu thơ ông viết năm 1942:
Đi thăm ga vẫn nhớ một ga đầu
Nhà thơ Chu Thăng lúc làm Tổng biên tập báo Đường sắt Việt Nam có sáng kiến tổ chức một nhóm cộng tác viên thân thiết của ngành đường sắt. Anh lo chu đáo cho các nhà thơ nhà văn Trinh Đường, Tạ Hữu Yên, Vũ Bão, Ma Văn Kháng, Phạm Ngọc Cảnh, Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Vũ Đình Minh, Lê Bầu, Lê Đình Cảnh, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Phương Trà… đến các đơn vị trong ngành. Giữa những người cùng toa tầu, Trinh Đường tâm sự:
Còn riêng tôi, hành lý một hồn thơ,
Ngắm sông núi trải nghìn đời vẫn mới
Nhà văn Ma Văn Kháng đã viết bài về “Toa xe hai tầng và bài thơ trên giường bệnh của thi sĩ Trinh Đường” nhắc đến sự kiện ngành đường sắt cho chạy thử toa xe hai tầng năm 2000 trong khi nhà thơ Trinh Đường đang nằm bệnh viện. Bài thơ “Hẹn đi một chuyến tàu hỏa hai tầng” của Trinh Đường đã làm xúc động những người làm toa xe và bạn đọc:
Một tầng đi đã ngàn lần
Hai tầng tàu hỏa chưa từng đi qua
Định ngày gần chọn ngày xa
Sẽ về thăm lại quê ta một lần…
…. Bao giờ nhỉ tiếng từ quy
Băng muôn dặm gọi ta về cố hương.
Nhà thơ Ngô Quân Miện với bài “Trinh Đường da diết nỗi niềm thơ” có viết:
… “Chỉ đọc một số tên bài thơ và tập thơ, cũng đủ thấy Trinh Đường đã đặt bàn chân trên rất nhiều nẻo đường đất nước: Trên địa đầu Hà Giang, Đường lên xứ Lạng; Mẫu Sơn; Kỳ Cùng, (Lạng Sơn), Phia Biooc (Cao Bằng): Trở lại Điện Biên Phủ; Vượt Hoàng Liên Sơn, Dừng bước Ô Quy Hồ (Lào Cai); Thăm chùa Hang (Bắc Thái); Chơi Hồ Thác Bà (Yên Bái); Đêm thành Tuyên, Nghe chim khảm khắc (Tuyên Quang);Viếng mộ Hàn Mặc Tử, Thiên –Yana (Nha Trang); Chợ Mới (An Giang): Ao Bà Om (Trà Vinh); Chùa Dơi ( Sóc Trăng), Cà Mau… Nếu kể hết thì quá dài… Trinh Đường đi để tìm thơ, tìm những chân lý của cuộc sống, để hiểu những lẽ huyền vi của Trời, Đất. Trinh Đường quan niệm thơ là một cái gì đó thiêng liêng, nhưng không thể đứng ngoài cuộc sống. Ông thường nói với một số anh em thân: “Thơ như một cái mặt trống, phải có hiện thực cuộc sống đập vào thì nó mới rung vang lên được".... Trinh Đường thích đi vào những nơi  khó khăn hoặc hiểm trở. Ông cho là ở những nơi đó mới có nhiều cái lý thú mới lạ. Có lần xuống Cồn Ngạn gặp kỳ nước triều rút xuống chậm, anh em phải lội bùn ngập bụng mới ra được chỗ có thuyền, ông là người cao tuổi hơn nhưng lại đến nơi trước tiên. Có hôm ông đi làm với công nhân ngành ong, bị ong đốt, mặt mũi sung húp, nhưng đêm khuya vẫn thắp đèn ngồi trong màn viết viết, xóa xóa những câu thơ vừa nẩy nở. Có lần ông dẫn chúng tôi bảy, tám người chen nhau ngồi trên chiếc xe zeep của Tổng cục Hậu cần cấp cho, vượt qua một con suối lớn ở vũng Hòa Lạc ngay khi cơn bão vừa tan. Cả đoàn chúng tôi đều náo nức muốn đến sớm với đơn vị bộ đội, nên mặc dầu nước lũ to, chúng tôi cứ thúc chú lái xe phải cho xe qua cầu. Không ngờ nước chảy xiết quá, cuốn chiếc xe nhào xuống suối, chìm nghỉm. Trinh Đường là người đầu tiên thoát ra được bình tĩnh bơi vào bờ và nhờ đồng bào đưa sào nứa cho mấy anh em bám lấy bơi vào bờ. Đêm ấy mặc dầu ướt như chuột lột và rét run, cả đoàn nhà thơ vẫn có một cuộc liên hoan đọc thơ đầy hào hứng với các chiến sĩ.
Trinh Đường cần mẫn, lao tâm, lao lực trong cuộc hành trình thơ riêng của mình. Hành trình ấy đã đem lại cho ông nhiều cảm hứng và trải nghiệm trong cuộc tìm tòi và vươn lên chính mình. Ông hỏi đường đi rồi “Hỏi lại người hỏi đường”: Anh đi tìm ai nhỉ/ Người phương Bắc phương Nam/ Phía biển hay trên ngàn/ Cõi này hay cõi khác/ … Tìm người hay tìm ta/ Tìm hình hay tìm bóng/ Trong đời hay trong mộng? Rút cục, ông cũng vỡ lẽ ra rằng: “Anh hỏi ai ngoài mình”. Cũng vì vật vã trên nhiều hành trình ấy, nên thơ Trinh Đường có được một cốt cách riêng”.
Năm 1978, nhà thơ Thu Bồn đến thăm Trinh Đường ở khu Trung Tự lúc này Trinh Đường đã ăn mì gần một tháng, kể lại:
“Tôi thật ngạc nhiên trước cách sống đạm bạc và trật tự của anh. Trong căn hộ nhỏ đầy sách báo, nhưng được bày biện như một thư viện. Không những sách vở mà nồi niêu chén, bát, đũa, dao, thìa, thau chậu được treo xếp như một phòng trưng bày. Ngoài hành lang có hai trái tạ nhỏ để anh tập luyện mỗi buổi sớm. Những chậu hoa hồng lúc nào cũng thay phiên nhau nở. Riêng căn phòng nhỏ của anh cũng cho tôi nhiều bài học quý giá, một con người lao động không bao giờ biết mệt mỏi, yêu đời, trong sạch, thanh cao”…
Nhà văn Trường Lưu đã cùng ở một phòng với nhà thơ Trinh Đường trong 4 năm tại số nhà 65 Bà Triệu, Hà Nội. Ngôi nhà ấy đã bị bom Mỹ san bằng và hiện nay xây dựng lại thành nhà mẫu giáo Hoa Hồng. Trong “Đôi dòng tưởng nhớ Trinh Đường”, Trường Lưu viết: “Nhiều ý kiến về thơ của Trinh Đường đã trở thành luận điểm của anh thể hiện trong nhiều bài nghiên cứu, phê bình và trong tiểu luận thơ Việt thế kỷ 20. Chẳng hạn như trước đấy người ta hầu như đều cho rằng, thơ là tiếng nói của tâm hồn là khúc hát trữ tình muôn đời của nghệ thuật, song với Trinh Đường thì khẳng định: Không một nhà thơ có tầm cỡ nào không mang trong mình một tư tưởng triết học, một cảm thức dự báo, tiên tri. Có điều sáng tác là biết dung hòa lý trí và tình cảm để đạt những hiệu quả, mà cái gốc vẫn là tình cảm...”
Hạo Nhiên, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ tên thật là Tôn Thất Hào, tên thường dùng là Nguyễn Mạnh Hào, Tôn Thất Mạnh Hào, sinh năm 1925 ở Huế mất năm 2000 tại Hà Nội. Ông từng là giáo viên ở trường Quốc học Huế đầu những năm 1950, tập kết ra Bắc công tác tại Thông tấn xã Việt Nam.
Cuối năm 1999, Hạo Nhiên viết lời tựa cho tập “Thơ Trinh Đường tự chọn” với nhan đề “Thác lũ Trinh Đường thơ”. Lúc này Trinh Đường vừa mổ khối u dạ dày.
Hạo Nhiên cho rằng: “Đâu phải đợi đến năm 1997, đã là bô lão tám mươi, Trinh Đường mới biết ra:
Đi – biết bao giờ cho tới nơi
Về - biết bao giờ cho tới chốn
….
Đâu không tạm trú qua ngày tháng
đâu  chẳng chờ ta một bến mê
… Ai mua tôi sẽ bán cho
   bán buồn một thuở bán lo muôn đời…
… Ai đem bán rẻ má đào
    ai cùng túng đem bán rao chữ tài
Sáu mươi năm cũ, anh thanh niên Trinh Đường lúc đó thường gọi Trương Đình đã hiểu nhân tình thế thái rồi, đã biết Vô thường, Vô ngã của Bụt, Vô tri của lão, Tiêu dao của Trang rồi, triết thuyết văn thơ phương Tây cũng không có gì lạ lẫm, thừa viết những câu như:
Mây sương trắng xóa biên thùy
Xuống ga mới biết mình đi một mình
Thì đâu là giai đoạn? Toàn bộ thơ Trinh Đường đúng là của Trinh Đường, đẽo đục rõ rệt tính khí Trinh Đường, hằn sâu dấu ấn của thực tại đất nước nửa sau thế kỷ hai mươi, và chính vì vậy mà rất đỗi con người – như Huy Cận nói – cái “gốc” của con người.
Trinh Đường vốn chất chứa tâm hồn say mê thác lũ, lắm lúc đam mê, si mê vượt ngoài lý tính thông thường. Bạn bè gọi ông là Đông Ki sốt, là quá lời, quá tải, cực đoan tình ý tung ra không giữ một li lai nào. Niềm sau mê mẩn tột độ ấy “bấm nút” ra thơ ở bất cứ đâu ông đến, ở bất cứ việc gì ông gặp … Người bình thường ngồi cộng sổ chuyến đi có thơ, đong vụ việc có thơ của ông đủ thấy ngợp. Trinh Đường viết rất khỏe, khỏe ở viết nhiều và khỏe ở viết dài, như không dừng lại được. Trường ca nối trường ca. Thơ văn xuôi tiếp thơ văn xuôi. Và có nhiều bài thơ quá dài. Đó là Trinh Đường. Hai ba giờ sáng thức tỉnh khô, một mạch viết bài thơ, không nháp, mời bạn ngồi quanh ký tên quanh bài thơ tặng. Trường Thanh đã ghi lại một thi thoại rất thơ, rất chi Trinh Đường. Đúng như Đông Trình viết ở bạt cho tập thơ Trò Chơi Phù Thế: “Ôi chao, một ngổn ngang Trinh Đường. Như là ông đã góp nhặt vào đây một thứ hỗ mang của trò chơi phù thế… Không biết mình là ai, không rõ ai là mình…”. Tri kỷ thay Lê Trí Viễn viết gửi Trinh Đường.
… Văng vẳng “Khấp u yết”
  Rờn rợn “Y, hu, hi”
Hẳn do cái chất “quá liều lượng” này mà nhiều bài thơ của ông, nhất là trường ca như Giở Trang Sử Quân Nguyên, quá nặng kể và tả, dàn trải, thiếu cái hàm súc, cái khơi gợi, cái lắng đọng mà lan tỏa, vốn có của thơ ông, sau này gặp lại ở những bài thơ nhân tình.
Bàn tay, cung mệnh trời trao
Nhớ em, biết cắn ngón nào khỏi đau
Phải chăng luôn là thác lũ nên thơ Trinh Đường hầu như thưa bóng tứ tuyệt vốn là thể thơ chắt lọc của một tâm hồn tự chế đến bình lặng?
….Một đời thác lũ tình trào tuôn thác lũ Trinh Đường thơ. Ngược xuôi chồng chéo hành trình nhưng vẫn là mình, không hề tự đánh mất mình, bước đi hồ hởi rắn rỏi theo đúng cái cảm cái nghĩ của chính mình”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương có những dòng nhận định chính xác về thơ Trinh Đường:
“Từ những năm 90, thơ Trinh Đường có biến động mạnh. Ông chịu đi, có thơ từ rừng đước Cà mau, lại có thơ về tuyết Hoàng Liên Sơn, thậm chí có cả thơ giã từ cuộc đời, cảm động và sâu sắc, sau khi thoát nạn xe tuột phanh trên dốc núi liền ba phút. Không biết do tuổi tác, do lịch lãm một đời người hay do thời thế, hay do trong mắt chứa nhiều sông núi mà hai tập thơ gần đây nhất Hành trình (1995) và Trò chơi phù thế (1997) ông viết hay hẳn lên. Hàm súc như thơ cổ điển. Đằm sâu tình nghĩa đời người. Viết về cây, về núi, về hoa hay về tuyết sương mây gió, tung tẩy thiên nhiên hào phóng trời đất gì thì vẫn cứ thấp thoáng và sâu nặng chuyện cõi đời. Thơ Trinh Đường có lẽ đến lúc này mới tìm đúng quỹ đạo của mình. Một bài học về lao động thơ cả về công lẫn về tài. Cái nết không bao giờ thỏa mãn, cái tính suốt đời tìm đã không phụ ông… Một Trinh Đường tinh nhạy hơn khi nắm bắt những xao động vô cùng nhỏ bé của một không gian lớn là lòng người và cũng thanh thản hơn khi luận bàn những thắng thua được mất phận mình. Mọi việc quay nhìn lại thấy nhẹ nhàng thanh thản. Thanh thản thật sự tự lòng mình chứ không phải trong lý sự như hồi còn trẻ. Cái ranh giới giữa ta và người, giữa có và không đôi khi không còn nữa. Tuân thủ quy luật để thanh thản mà giữ lòng vui đời. Trinh Đường, bằng sự từng trải hiện thực sống của thế kỷ XX đã đụng vào những vấn đề muôn đời của những tâm hồn muôn thuở trước. Vua Trần Nhân Tông đầu thế kỷ 14 bỏ ngai vàng đi tu nhưng lại viết Cư trần lạc đạo, có ở trong cát bụi thì mới biết vui niềm đạo. Trinh Đường ở chặng thơ này nói niềm lạc đạo chính là để ca ngợi cuộc sống cư trần mà đời mình đã trải.
Nhận được thư ông viết từ bệnh viện, nhờ tôi viết tựa cho tập thơ sắp in. Tôi hiểu thêm những dòng thơ của ông. Cảm thương và mến phục biết bao sức sống quyết liệt trong tấm hình hài gầy gò, lặn lội với năm tháng của đời ông”.
Nhà thơ Thanh Thảo trong bài “Trinh Đường hăm hở độc hành thơ” nhắc những kỷ niệm với Trinh Đường:
“Suốt cuộc trò chuyện lần đầu tiên với Trinh Đường, tôi nhớ ông không nói chuyện gì khác ngoài chuyện thơ. Và đám trẻ chúng tôi khi ấy cũng rất “máu” thơ, sẵn sàng hưởng ứng câu chuyện của ông, cùng ông đàm đạo thơ, và rất thú vị. Trinh Đường biết cách truyền cho người đối thoại với ông, dù mới gặp lần đầu, sự nhiệt tình với cả lòng tôn kính đối với Thơ. Với Trinh Đường, Thơ là ngôi đền thiêng liêng, và người làm thơ hay đọc thơ là những tín đồ. Ông không chấp nhận một tình yêu nửa vời đối với Thơ, dù ông biết tự lượng sức mình. Cho tới sau này, khi đã “nhập làng” cùng ông, tôi chưa thấy ai ca ngợi thơ người khác say mê, vô tư và hơi… quá mức như Trinh Đường. Đó là một điều lạ. “Văn mình vợ người” nhưng với Trinh Đường, cả văn mình vợ mình lẫn vợ người… ông đều yêu tất, yêu vô tư… Tôi đã học được ông ở điểm này: Hãy hạnh phúc vì những gì mình có, hãy cứ sung sướng với thơ, rồi ra, đừng quá quan tâm tới những phiền toái hay “tai nạn” – tất cả đều là lặt vặt so với thơ. Về sau này tôi mới biết, Trinh Đường cũng có những nỗi đau, những “tai nạn” mà ông âm thầm chịu, không muốn nói ra. Những gì ông nói chỉ là thơ và về thơ. Không dám coi Trinh Đường là người đổi mới hay cách tân thơ, nhưng có thể nói, ông là người ủng hộ, cổ vũ hết mình cho những tìm tòi đổi mới trong thơ. Thậm chí nhiều lúc có cảm giác như ông hơi hoảng trước những bài thơ của người khác mà ông cho là “rất lạ”. Ông ca ngợi không tiếc lời, dù tác giả bài thơ ông khen còn là một cái tên lạ hoắc. Ông đã thẩm định được bao nhiêu phần trăm những bài thơ hay này, những tác giả sau này thành một tên tuổi, có lẽ cũng khó xác định. Nhưng có ông, những người mới sáng tác, những người còn rụt rè khi bước vào Vương quốc Thơ thấy được người cổ vũ, người ủng hộ, người đứng bên cạnh mình. Thế cũng là quá tốt với những tác giả trẻ. Trinh Đường là người đối với thơ không quan tâm đến tên tuổi, đến “cây đa cây đề”, ông chỉ quan tâm đến từng bài thơ. Với ông, bài thơ là đơn vị, là sự trình bày đúng đắn nhất gương mặt nhà thơ. Hơn mười năm trở lại đây, ông lao vào làm tuyển tập thơ thế kỷ Hai mươi cho toàn cõi Việt Nam. Ông vào Nam ra Bắc, gửi hàng nghìn bức thư viết tay cho các tác giả để xin bài, đọc hàng nghìn tập thơ để chọn bài. Có vẻ, ông coi đó là công nghiệp lớn nhất của mình. Chưa thể đánh giá kết quả những gì ông đã làm, và trong việc tuyển chọn ấy, ông có những lẫn lộn gì không, nhưng không thể không khâm phục sức làm việc của ông, nhiệt huyết của ông dành cho Thơ Việt Nam và cuộc đời ông dành cho Thơ là niềm an ủi với những ai còn coi Thơ là thiêng liêng, còn đam mê và hạnh phúc và bất hạnh vì Thơ. Riêng tôi, tôi còn nhớ ơn ông. Tình yêu thơ của ông luôn cổ vũ tôi trong cuộc đời này”.
Là người đồng hương Quảng Nam và đã từng làm việc ở Nhà xuất bản Giải phóng cùng Trinh Đường, hiểu ông khá tường tận, nhà thơ Ý Nhi đã có bài viết  “Trinh Đường thơ là niềm vui sống thơ là cả cuộc đời” đăng trên tạp chí Thơ số tháng 9 năm 2009). Ý Nhi đã nói chính xác về tính cách cũng như những mạch thơ của Trinh Đường:
… “Làm thơ từ những năm có phong trào Thơ Mới, cho đến lúc ra đi, Trinh Đường đã để lại 12 tập thơ và trường ca.
Bạch Đằng tráng khúc, Điện Biên Phủ trên không, Sóng ngầm, Vùng nuớc xoáy, Kỳ quan Việt Nam, Quang Trung, Tưởng niệm Ức Trai… là những truờng ca, những bài thơ dài nói về những sự kiện lịch sử vĩ đại, những nhân vật anh hùng, những kỳ tích… Đó là một mạch quan trọng của thơ Trinh Đường.
Nhưng Trinh Đường, là Trinh Đường hơn cả, lại ở một mạch thơ khác của ông, với Hoa gạo, Về Thanh, Thủy triều, Giao mùa, Hành trình, Hội hóa trang, Trò chơi phù thế
Ta gặp ở đây một Trinh Đường trìu mến: “Em em em anh biết nói sao cùng. Bao đêm dài thương em mà mất ngủ”; một Trinh Đường mơ mộng: “Nằm trên thảm cỏ nhìn trời. Nghe chim nghe gió nghe đời lâng lâng”; một Trinh Đường đằm thắm: “Nhắp chén trà xuân hương cúc đượm. Giật mình ngỡ uống cả mùa thu”; một Trinh Đường quyết liệt; “Thà đem xác tôi trôi sông. Còn hơn chôn bên mồ đứa ác”.
Và, một Trinh Đường đau đớn, dằn vặt với những câu hỏi về cõi nhân sinh, về cái hư cái thực, cái vinh cái nhục của kiếp người.
Phải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu còn mất, mới có thể có được cách nhìn nhận đời sống sâu sắc, tinh diệu như Trinh Đường. Ý thức được cái hữu hạn của đời người: “Đời này vừa cúi xuống. Ngẩng lên tóc bạc rồi”, “ý thức về mình: “Thân tôi sinh chẳng gặp thời. Mệnh tôi phó cho thác cho người trên cao” chính là nền tảng của nỗi buồn nhân thế Trinh Đường.
Có lúc ông lo âu “Còn yêu nhau bao lâu. Đời người là gang tấc. Bao giờ gặp lại nhau. Biết mai còn hay mất”. Có lúc, ông cám cảnh trước một chú bướm đập đầu vào cửa kính: “Đời bao làn cửa kính. Bao con bướm ngu ngơ. Uổng một đời tài sắc. Còn mang tiếng dại khờ”. Có lúc, ông xót xa trước sự ra đi của một con người: “Nhập thế cho vui rồi xuất thế. Chóng chày cũng một kiếp người thôi”.
Kiếp người, đó là một ám ảnh, là câu hỏi lớn, là bức thông điệp khẩn thiết của Trinh Đường. Không phải ngẫu nhiên khi ông viết về những quán trọ, những nấm mồ hoang, những quán âm hồn. Không phải ngẫu nhiên khi nhìn một nấm mộ mà tự hỏi: “Ai nằm đấy trẻ trung hay tuổi tác. Nổi đám đình hay bó chiếu đem chôn. Mồ ai đấy tôi quen hay chửa biết. Trả xong chưa hay còn nợ trần gian”. Không phải ngẫu nhiên khi đến một quán trọ mà băn khoăn: “Ai trước tôi đã đến. Ai sau tôi chẳng hẹn. Làm khách trọ tình cờ” hay: “Ta vừa trọ đêm qua. Quán hàng hay quán nhậu… Sương trăng lồng quán gió. Hay hắc điếm thời nào”… Không phải ngẫu nhiên mà ông căn vặn lại một người hỏi đường nào đó: “Anh hỏi ai oan trái. Đã chết hay đang còn. Hỏi ai kẻ cùng đường. Hay quyền nghiêng thiên hạ. Hỏi đâu ra sáng giá. Tròn vẹn một con người”….
Chính ở mạch thơ này, ở cái lối đi nhỏ hẹp, khắc nghiệt, chênh vênh này, Trinh Đường đã đặt ra cho chính mình, cho người đọc những câu hỏi lớn về phận làm người – những câu hỏi khắc ghi tình yêu sâu xa của Trinh Đường với cuộc đời.
Những quán trọ, những hội hóa trang, những trò chơi phù thế… đã khiến cuộc hành trình của ông, của thơ ông trĩu nặng yêu thương, lo âu, đau đớn và hy vọng:
“Một câu thơ nhỏ ai còn nhắc
Cũng đủ ta vui nhắm mắt rồi”
Tháng 7 năm 2002, chuẩn bị cho ngày giỗ đầu của nhà thơ Trinh Đường, trong vòng chưa đây hai tháng, tôi đã sưu tầm tài liệu, tìm gặp gỡ, viết thư gọi điện mời nhiều người đã từng thân thiết với nhà thơ tham gia làm một cuốn sách tưởng niệm ông. Kết quả thật không ngờ. Tôi đã nhận được 90 bài viết để đưa vào cuốn “Trinh Đường-trọn đời vì thơ” dày 324 trang, nộp lưu chiểu vào tháng 9. Nhiều nhà văn nhà thơ đến dự đám giỗ nhà thơ Trinh Đường và nhận sách tặng.
Tôi trân trọng đặt sách lên bàn thờ ông và tặng bà quả phụ Lê Thị Hải mấy chục cuốn. Mỗi người ghi lại một khía cạnh, một vài kỷ niệm, hoàn cảnh gặp gỡ trao đổi với nhà thơ làm cho cuốn sách thêm phong phú. Tất cả đều thương mến, kính trọng tài năng và nhân cách của ông, biết ơn ông đã động viên giúp đỡ trên con đường đến với thơ.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể lại:
“… Tôi không bao giờ quên một buổi sáng buốt giá của mùa xuân năm 1979 trên đỉnh Ngân Sơn. Lúc ấy, sức ép của đối phương ở biên giới đẩy phòng tuyến Cao Bằng lui về ngã ba Nà Phặc. Đường lầy lội vì mưa. Trời vì mưa mà âm u đến uất nghẹn. Tự nhiên ai đó chỉ cho tôi một bài thơ của Trinh Đường in  trên báo Văn nghệ. Cái bài “Chốt trên mây” lúc ấy đã bật sáng ngọn lửa quyết chiến của dân Việt, đã sưởi ấm chúng tôi: Trên đây bầu trời nghiêng về Tây – Trên đây lang thang mây trắng bay – Chiến sĩ thông tin trong khí loãng – Đứng ngang mặt trời ngang mặt trăng…”. Đọc đến câu “Giữ đất mà các anh ở trời”, thì tất cả lính chốt đỉnh Ngân Sơn chỉ còn biết gào lên: “Hay quá! Hay quá!”.
Dù đến hôm nay tác giả “Chốt trên mây” mới thực sự tạ thế. Nhưng từ khi ông thực sự bước vào độc lộ “tinh tuyển” và bình giải thơ Việt thế kỷ XX”, tôi đã coi ông là thi sĩ không - thời – gian, là người“Tử vì thơ rồi”.
Bằng những tình cảm chân thành, nhà thơ Mai Ngọc Thanh luôn biết ơn sự cổ vũ của Trinh Đường đối với anh và các bạn trẻ:
… “Một số khá đông những người viết trẻ lứa tuổi tôi ngày ấy được anh viết thư như thế. Quan tâm dìu dắt như thế, nhưng tuyệt nhiên không tâng bốc, nuông chiều để cho “vui vẻ cả”. Việc làm ân nghĩa ấy lại không phải chỉ diễn ra 3 năm, 5 năm mà dài dặc cả mấy chục năm trời. Hôm đến thăm anh ở bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, lúc này anh đã yếu lắm rồi, nâng bàn tay khô khẳng của anh lên, tôi vừa hôn vừa nói trong niềm xúc động: “Anh Trinh Đường ạ, cả một lớp nhà thơ tuổi em mang ơn anh lắm lắm. Đó cũng là hạnh phúc của anh”.
… Và thời gian, thời gian anh bỏ ra trong gần 50 năm của đời mình để viết những lá thư ấy nữa, mới là vô giá. Trong lớp nhà văn, nhà thơ đàn anh, có ai nữa như anh Trinh Đường dám hy sinh một phần không nhỏ đời mình cho thế hệ đàn em. Tôi nói hy sinh bởi sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu luôn nói rằng: Thời gian là cuộc đời của mỗi người đấy, phải vội vàng, phải làm việc (sáng tác) hết mình, để rồi còn phải chết. Vậy thì quả là anh Trinh Đường đã dám hy sinh. Chỉ riêng điều ấy thôi, nhà thơ Trinh Đường cũng xứng đáng được gọi là một Nhân cách lớn.
… Năm tháng liều sống với hiện thục và tình cảm của nhân dân Thanh Hóa, anh có 43 bài làm thành tập Về Thanh. Cứ xem địa chỉ ghi dưới mỗi bài thơ mới biết sức đi của anh thế nào. Bốn mươi ba bài thơ là tâm hồn anh đằm thắm nồng nàn trong tình nghĩa máu thịt của mấy triệu đồng bào Xứ Thanh. Anh về với Thanh Hóa chứ không phải anh đến Thanh Hóa. Khép lại tập thơ, còn nghe ngân nga tiếng của trái tim Trinh Đường: Tôi sẽ về Quảng Nam. Mang theo lòng Thanh Hóa (Bài thơ gởi lại – thay lời bạt). Bấy giờ mới là tháng 10-1972, bài thơ thứ 43 này viết ở Hà Nội, nhưng sao đã tiên cảm chắc chắn Tôi sẽ về Quảng Nam”...
Mười hai năm cuối đời, nhà thơ Trinh Đường dốc hết sức để sáng tác và lo tìm những bài hay của thơ Việt thế kỷ 20. Tại đại hội Nhà văn Việt nam lần thứ 4 năm 1989, ông gửi đến các hội viên một câu hỏi: “Làm thế nào để có thơ hay?” và đề nghị mỗi tác giả tự chọn một bài thơ. Trân trọng việc làm của ông, nhiều nhà thơ đã trả lời. Ông biên soạn thành tập thơ  “Ngày hội thơ” với trên 200 bài thơ kèm một bài viết công phu “Làm thế nào để có thơ hay?”. Năm 1991 Nhà xuất bản Thanh niên cho in 2000 cuốn.
Trinh Đường đã tập hợp thơ của các nhà thơ chưa vào Hội Nhà văn Việt Nam đầu những năm 90, mỗi người ba bài kèm theo trả lời hai câu hỏi về thơ. Câu A là cái nhìn mỗi bạn ra phong trào thơ cả nước, câu B quay về hướng viết mình đang chủ trương. Ông lại đi vào Nam, ra Bắc, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, đọc bao nhiêu tập thơ và bản thảo, gửi hàng mấy ngàn bức thư để có thơ in trong hai tập “Những gương mặt thơ mới” (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1994) dày hơn 1000 trang.
Một thế kỷ thơ Việt tập I do Trinh Đường chủ biên với sự cộng tác của Tế Hanh, Trần Lê Văn và Quang Huy. Trinh Đường đã tuyển chọn thơ của 66 tác giả từ đầu thế kỷ đến năm 1945 kèm tiểu luận “Thơ Việt thế kỷ hai mươi”. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in với số lượng 2000 bản giữa năm 1995.
Trinh Đường còn cho xuất bản “Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình” (Nxb Thanh niên, 1999). Các bài thơ kèm theo lời bình công phu của ông. Ông cũng đã biên soạn xong 2 tập Một thế kỷ thơ Việt (tập 2 và tập 3) nhưng chưa có điều kiện xuất bản.
Tôi đã đọc nhiều bản thảo đánh máy và chép tay của Trinh Đường. Ông gạch xóa, đánh dấu ngoài lề, dán thêm một mẩu giấy để gọt câu văn, câu thơ theo đúng ý mình mới thôi. Ông đã bỏ nhiều công sức để viết tiểu luận dài 25 trang “Thơ Việt thế kỷ 20”, “Lời đầu sách” cho tập “Những gương mặt thơ mới”, bài “Làm thế nào để có thơ hay? (Ngày hội thơ, Nhà xuất bản Thanh niên 1991), “Vàng mười thế kỷ 20” cho tập ‘Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình” (Nhà xuất bản Thanh niên, 1999). v.v…
Tiểu luận “Thơ Việt thế kỷ 20” đã được in trong tập I tháng 7 năm 1995 (Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin). Từ đó cho đến khi nhà thơ Trinh Đường qua đời (8-2001) đúng 6 năm. 6 năm ấy, ông đã sửa chữa nhiều lần, xóa những từ ngữ chưa thích hợp… Ngay trên giường ở bệnh viện Hữu Nghị, ông còn nhờ tôi đọc cho nghe lại những dòng, những nhận định, đánh giá về các nhà thơ khác. Nhà văn Vũ Bão vào thăm ông thấy cảnh tượng ấy đã ghi lại trong bài “Trinh Đường, người dấn thân đi tìm cái đẹp” (Trang 170-178 Trinh Đường trọn đời vì thơ, Hội LHVHNT Hà Nội, 2002).
“Anh gắng không để vắng một ai và cũng không đánh giá vội vã một ai. Đời anh đã gánh chịu nhiều đắng cay rồi, anh không muốn các bạn thơ của anh lại phải nhận những lời lẽ đắng cay. Anh sắp đi xa rồi, anh muốn gửi muôn vàn tình thương yêu cho người ở lại”.
Trinh Đường viết trong bài “Vàng mười thế kỷ hai mươi” mở đầu cho tập “Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình”: “Đón gió hỏi nhà, nhờ mây chỉ lối, tôi đã đi tìm thơ qua các tàng thư và sông núi, đã đãi cát tìm vàng dọc theo dòng sông thế kỷ này không ít hơn sáu năm trời.
Con mắt xuyên qua đất cát, trí nhớ sục sâu vào quên lãng, tai lắng nghe tiếng thì thầm từ trong hoài niệm, tay giành giật với mối mọt để nhìn vào các ngõ ngách tháng năm và từng nhúm vàng sa khoáng đã được mang về phân kim.
Số vàng gom nhặt được này là tổng số những bài thơ hay của các thế hệ tác giả ít nhiều nổi tiếng trong thế kỷ hai mươi nằm rải rác đó đây trong hỗn độn bụi hồng, trong các biến động bể dâu của người và của trời. Tất cả đã được tập họp lại thành một công trình có thể là đồ sộ, có tên là MỘT THẾ KỶ THƠ VIỆT.
…Tấm lòng tôi đối với đất nước với học thuật, chút vốn hiểu biết về thi học, thi pháp, lòng kỳ vọng với các thế hệ thơ hiện nay và thế kỷ tới, tất - cả - tôi trên đây được trân trọng gửi gắm vào công trình quan trọng này”.
Năm 1995, nhà xuất bản Thanh niên ấn hành tập thơ “Hành trình” của Trinh Đường với 50 bài thơ viết trong những năm 1993 – 1995. Nhà thơ Huy Cận viết lời tựa cho tập thơ (9-4-1994): Hai hành trình trong một cuộc hành trình của Trinh Đường.
… “Tên tập thơ là Hành trình. Hành trình nào đây? Trước hết trong là hai hành trình của tác giả đi tìm thơ hay cho một công trình tổng kết trăm năm sắp qua Một thế kỷ thơ Việt ở hầu hết các tỉnh trong nước, từ Cà Mau, Sóc Trăng cho đến Lai Châu, Hà Giang, từ đền Thiên Y A Na ở Nha Trang đến Chùa Thiên Hậu ở Hưng yên, từ mộ Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng Qui Nhơn đến mộ Nguyễn Thái Học ở Yên Bái… Và đi đâu, dừng đâu, tác giả cũng bắt được cái hồn sông núi – giang sơn tụ khí – cái ý thầm của Tạo vật…
…Quanh co hồ nước gợn hoa văn
nghe động càn khôn ngọn bút thần
Đà Lạt em – vừa tròn thế kỷ
Xuân Hương tranh sáng với sao trăng.
(Hồ Xuân Hương)
… Mắt lượn vòng biên cảnh
Mẫu Sơn của các con
Mẫu Sơn của cả nước
nghìn năm chuyện mất còn
(Mẫu Sơn)
          … Nào thổi khèn lên, nổi trông lên
          Mời núi Cô Tiên ra múa trước
          Muôn năm hưng thịnh tự xuân này
          Xin gửi lời vui ra đất nước
(Lễ hội núi sông)
…Đó là nghĩa đen, nghĩa cảnh của hành trình. Nhưng bên cái thực của cảnh, của sông núi, lại thấp thoáng - lại in đậm nét - cái bóng của một hành trình khác, hành trình tâm tưởng, hành trình của một đời người đã qua nhiều trải nghiệm.
…Đưa ta về với cái gốc của kiếp người cũng nhờ lời thơ của Trinh Đường, lần này cô đúc hơn, kết hợp phong cách thơ Đường với phong cách thơ hiện đại, hiện đại Việt Nam, phong cách thơ lục bát là cái nhịp thở của tâm hồn dân tộc. Bút pháp tác giả luôn đổi mới, biến hóa, nhuần nhuyễn trong cấu trúc bài thơ và câu thơ, xáo trộn thực và hư, cảm giác cơ thể và ảo giác của tâm hồn, xáo động thời gian xưa - nay thành ra không gian cảm xúc sáng tạo, không chỉ ba chiều hay bốn chiều mà nhiều chiều thao thức trăn trở…
Chừng mực nào, tập Hành trình cũng là một tổng kết nghệ thuật của Trinh Đường, một hành trình nửa thế kỷ thơ trên con đường thơ vốn không trơn tru, bằng phẳng của chúng ta”.
Huy Cận nhận Trinh Đường là bạn thơ tri âm tri kỷ khi viết tựa cho Hành Trình. Và Trinh Đường đã giành nhiều tâm huyết khi viết lời giới thiệu tập thơ Tao Phùng của Huy Cận. Dưới phần trích bài “Huy Cận, từ Lửa thiêng”, ông ghi chú tháng 10 năm 1991 đến tháng 2 năm 1993. Riêng phần trích trong sách ‘Huy Cận đời và thơ” cũng đến 23 trang. Ngòi bút của ông bay bổng, say sưa khi viết những cảm thụ của mình về các bài thơ hay của Huy Cận. Trinh Đường cho rằng: “Nhiều yếu tố làm nên sự thành công của Lửa thiêng mà một yếu tố cần nhấn mạnh là anh đã lấy cái hồn quê, cái tinh thần dân tộc làm nền, lấy hồn tạo vật làm hồn thơ của mình. Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài, trời nhớ sông, hay không gian nhớ không gian, người nhớ người…
Từ nhỏ tôi lao hết mình vào thơ là do Cung oán với những câu loại Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một nấm khâu cỏ xanh rì… Tôi ghi lại câu chuyện này để nói rằng tôi tri âm với Lửa thiêng, khi nó mới ra đời và đã hơn nửa thế kỷ rồi, chúng ta vẫn thấy nó còn nguyên giá trị, vì nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là nó nói đến số phận con người và kiếp người trong muôn thuở”.
Năm 1997, nhà xuất bản Thanh niên ấn hành tập thơ “Trò chơi phù thế” của Trinh Đường. Ông chỉ in 300 bản để tặng và ông cho in ba chữ “Sách không bán”.
          Nhà thơ Đông Trình trong lời bạt: “Cháy lên ngọn lửa phù sinh” cho tập thơ “Trò chơi phù thế” của Trinh Đường đã phải thốt lên:
          “Ôi chao, một ngổn ngang Trinh Đường. Như là ông đã gom nhặt vào đây mọi thứ hỗn mang của trò chơi phù thế. “Cầu vồng trên biển – Giống vỏ ngọc trai – Vịt nuôi vịt trời – Thằng bờm thằng cuội – Đá nào trên ải – Bỗng thành vọng phu”… Tỉnh và mê. Thật và giả. Lăn vào trò chơi phù thế rồi, không biết mình là ai, không rõ mình là ai. Có những chỗ trong thơ ông làm cho tôi rợn ngợp. Một tiếng gọi không rõ từ đâu “Chưa vang đà tịnh mịch”, “Vừa mới nghe thoắt chốc đã vô thanh”, “Có ai nói tiếng không lời”, “Có ai nhìn thấy xa xôi cõi ngoài”…
          Ít có tập thơ nào của Trinh Đường mà bút lực và cảm hứng đan quyện vào nhau nhập thân, nhập hồn, nhập vai, tạo ra cái ào ạt cuồng nộ, trầm tĩnh mà xoáy xốc đến vậy”.
          Giữa năm 1999, nhà thơ Trinh Đường được các bác sĩ ở khoa tiêu hóa Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) phát hiện có một khối u trong dạ dày. Những ngày chuẩn bị lên bàn mổ, ông tất bật lo sắp xếp lại tuyển tập “Một thế kỷ thơ Việt”.
          Đầu năm 2001, vết mổ ung thư dạ dày tháng 10-1999 lại sưng lên và Trinh Đường lại chịu những trận đau. Ông lại vào điều trị ở bệnh viện Hữu Nghị.
          Trước đó, nhân cuốn “Thơ Việt thế kỷ XX, chọn lọc và bình” của Trinh Đường biên soạn mới được Nhà xuất bản Thanh niên in một phần, tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hơn ba chục nhà thơ gặp mặt để chúc mừng ông.
          Ngày 8-7-2001, cũng như lần trước, tại địa điểm trên, được nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh giúp đỡ, một số bạn bè mừng thượng thọ 85 cho nhà thơ Trinh Đường. Sinh ngày 1-1-1917 thay vì lâu nay khai sinh 1919.
          Trinh Đường cho biết ông còn có tập thơ “Chiếc nón giữa dòng”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã cho giấp phép nhưng chưa có tiền in. Một tập thơ khác làm trong 3 lần nằm viện từ 1999 đến 2001 có đến gần 100 bài.
          Tập “Thơ Trinh Đường tự chọn” khoảng 300 bài do Hạo Nhiên (Nguyễn Mạnh Hào) viết lời tựa “Thác lũ Trinh Đường thơ”.
          Những người gần ông, hiểu ông đều biết có lúc ông cực đoan khi khen chê thơ người này người khác nhưng ai cũng thông cảm với ông, người đã từng viết:
Thương ta từ bé như ma ám
Máu me bi lụy nghiệp từ chương
          Ông vào bệnh viện rồi về nhà. Chiều ngày 15-9-2001, vợ chồng tôi lên Cổ Nhuế thăm ông. Ông nằm tỉnh táo bàn chuyện tập thơ Đất Quảng thế kỷ XX cùng Nguyễn Nhã Tiên và các bạn thơ ở Đà Nẵng vừa ra thăm ông.
          Lát sau, Trương Tản Viên đứa con trai út của ông bà Trinh Đường – Lê Thị Hải vừa đi nhận bằng cử nhân trường Đại học Thương mại Hà Nội về, đem tấm bằng loại khá đặt vào tay bố. Nhà thơ Trinh Đường rơm rớm nước mắt. Lần đầu tiên, ông vui mừng gia đình ông có đứa con tốt nghiệp Đại học.
          Ông lại bình tĩnh bàn về việc gia đình sau khi ông qua đời và ủy thác cho tôi cùng với gia đình phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ lo tang lễ cho ông.
          Căn hộ 24 mét vuông ở khu tập thể Trung Tự không thế chứa hết gia đình ông. Ông chuyển quyền sử dụng căn hộ, mua hơn một trăm mét vuông đất ở Cổ Nhuế, nhờ bà con, bạn bè giúp đỡ làm được căn nhà mái bằng, sau xây thêm hai phòng ở phía trên. Cả hai nơi ông đều lập bàn thờ Thơ:
Trầm hương lên rồi trầm hương lên
về phương nào xa phương thiêng liêng
cho trăng trên trời quên mọc lặn
cho phòng văn ta thành ngôi đền.
…trầm hương lên rồi trầm hương lên
mang ta tan theo vào vô biên
mang ta đi theo vào lãng quên
mang ta bay theo về uyên nguyên.
          Trinh Đường đốt hương trầm lên để sẵn sàng đi vào cõi vô biên, theo về uyên nguyên.
          Nhà thơ Vân Long vào bệnh viện thăm ông, biết ông vừa về nhà, vội vàng phóng xe lên nhà ông. Trinh Đường khoe với Vân Long chùm thơ ông mới làm gần đây. Vân Long kể:
          “Tôi vội giành lấy xếp giấy: “Anh cứ nằm yên mà nghe, tôi đọc cho cả hai người! Có điều, phóng xe đi từ sáng, tôi cũng mỏi lắm, tôi nửa nằm trên chiếc ghế này mà đọc nhé!”. Lần lượt, tôi đọc to từng bài: “Nói chuyện với cái gường”, “Qua đèo”, “Lan man sau mê man”… Căn phòng vắng, quanh nhà cũng vắng lặng, giọng tôi càng lúc càng bốc cao theo thi hứng những câu thơ của ông, những câu tưởng như rời rạc, ít liên hệ với nhau:
          Mắt em nhìn anh hay mảnh trăng cài
Cãi được mệnh trời là ai, là ai?
Cho còn thì còn, không còn thì thôi!...
(Lan man sau mê man)
Giọng thơ của ông già quen dùng từ Hán Việt, nay đôi lúc cứ phá ngang ra, như ông đang đối thoại, tranh cãi với ai, gây một khí vị hoang lạ, thách thức… Đang đọc, nghe tiếng động, tôi liếc ngang: nhà thơ Trinh Đường nhỏm dậy dần. Mới đầu thì nằm nghiêng, chống một tay trên gối để “nhìn cho rõ” câu thơ từ miệng tôi phát ra. Đến khi tôi đọc bài “Còn, mất”:
Ai người sống đã chết
Ai người chết đang còn
Ngang nhiên giữa trời đất
Ta sống cùng nước non
thì nhà thơ ngồi thẳng dậy, đôi mắt phát lộ những tia sáng lạ. Một ông già cao cao, gầy gộc, mặt hốc hác, ngỡ không còn sinh khí, từ lúc nằm bất động như một xác ướp Ai Cập, bỗng chuyển dần sang trạng thái hưng phấn làm tôi gai người, ngỡ như mình là một gã phù thủy đang đọc thần chú cho xác chết sống dậy. Ông lại bị chính thơ ông hớp hồn! Trong căn phòng người bệnh thập tử nhất sinh, bỗng xảy ra một tình trạng ngược đời: Người khỏe đến thăm bệnh nhân thì nằm trên ghế xếp đọc thơ, còn bệnh nhân thì ngồi thẳng người, đau đáu “nhìn” những câu thơ của chính mình, say sưa và hứng khởi.
Chùm thơ của ông mà tôi chắc chắn là những dòng cuối cùng trước khi ông ra đi, không ít những câu thơ như tuyên ngôn:
Nhập thế hay xuất thế
Cỏ bờ hay bụi bờ
Nhập thêm vào đất nước
Mới nhập thân vào thơ!
(Vĩ thanh)
Nhà thơ Trinh Đường từng “Nhập thế” dẫn nhóm bạn Khuê Văn của ông đi khắp các ngả đường đất nước (mà mọi người gọi đàu ông là Trinh đoàn trưởng). Nhà thơ Trinh Đường từng “xuất thế” lập bàn thờ các vị thần thơ ngày trong nhà mình. Giữa cơ chế thị trường, thơ là món hàng thấp giá nhất thì vẫn còn có người như ông, say mê sự nghiệp của mình đến hơi thở cuối cùng. Ông là một bậc thánh tử vì đạo! Chỉ sau tôi mới biết, từ bệnh viện về không đến một ngày đêm thì ông ra đi. Hóa ra tôi là người cuối cùng khơi gợi và được chứng kiến phút lóe sáng kỳ lạ của nhà thơ như trên, thảo nào mới chiều hôm trước gần ông, khoảng 3 giờ chiều hôm sau tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Trần Phương Trà trong tiếng nghẹn ngào: “Anh Vân Long ơi! Ông Trinh Đường đi rồi!...” Đó là chiều ngày 28 tháng 9 năm 2001”.
Nhà thơ Trinh Đường đã từng mong ước được về quê nhà nhưng nhà còn gieo neo, ông không dám nghĩ đến việc mai táng ở Quảng Nam. Ông từng viết:
Tôi xin tắm lửa ra Hoàn Vũ
Lặng lẽ đi vào cõi tịch không
(Gửi lại)
Ông chỉ mong có một bình tro của ông chôn dưới chân mộ cha. Lễ tang nhà thơ Trinh Đường được tổ chức trọng thể tại nhà tang lễ bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Nhiều văn nghệ sĩ như Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Huy Cận, Nông Quốc Chấn, Xuân Tâm, Anh Thơ, Trần Hoàn, Trần Lê Văn… đã đến viếng Trinh Đường.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ đọc điếu văn nhấn mạnh:
… “Ghét thứ thơ nhợt nhạt, thiếu máu, Trinh Đường tha thiết với cái mới, thậm chí luôn đau khổ và đi tìm cái mới, nhưng anh không sa vào hình thức chủ nghĩa đánh mất mình trong mớ ngôn từ rối rắm, vô hồn. 10 tập thơ và trường ca của Trinh Đường là một hành trình thơ tự vượt đầy gian khổ để theo kịp cái mới của đời sống. Đặc biệt cảm động là mảng thơ trong những ngày nằm viện, chống trả với bệnh tật, với hư vô.
Kiếp phù du, cõi trần ai
Đến chưa ấm chỗ đã rời chân đi
Yêu đời và tiếc đời, Trinh Đường vắt kiệt thời gian, sức lực để làm việc.
… Đau đáu trong anh là những chuyến đi, những khám phá nghệ thuật, cả những dự định đòi hỏi đến cả một tập thể các nhà khoa học mới có thể hoàn tất được. Nhà thơ Trinh Đường đã vĩnh biệt chúng ta như một người tử vì đạo. Hội Nhà văn Việt Nam, Tuần báo Văn nghệ, đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc yêu quý đến bên linh cữu vĩnh biệt Anh, một nhà thơ lớp trước, tiêu biểu cho một tâm hồn có sức sưởi ấm cả khi đã ra đi”...
Ngay sau lễ tang, thi hài nhà thơ được đưa về quê. Ngày 4-10-2001, lễ tang nhà thơ lại được tổ chức tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Những bài thơ “728”, “Bói Kiều”, “Chốt trên mây”, “Gửi lại…” của Trinh Đường đã được nhiều người tán thưởng. Ông khiêm tốn nói về mình: “về sáng tác tôi luôn đổi mới trên cơ sở truyền thống và hiện đại, biệt lập phong cách. Về đào tạo lớp người kế tục, nổi lên trong và sau chống Mỹ và công việc của Hội đều ít nhiều có phần đóng góp của tôi” (trích từ “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Hà Nội, 2010).
Năm 1983, nhà thơ Trinh Đường viết:
Chưa lên voi tôi xuống chó bao lần
vẫn đứng vững trong cuộc đời điên đảo
Ai cùng túng phải ngọc đem bán dạo
tôi dem hết tôi để trả ơn đời
Biết làm sao vừa ý được mọi người
khi dám sống riêng mình đầu chẳng cúi
…Nhà thơ Trinh Đường đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ bạn đọc niềm tiếc thương, kính trọng. Chỉ tiếc nhiều di cảo của ông hiện chưa được biên tập và xuất bản nhất là 2 tập 2 và 3 “Thơ Việt thế kỷ XX” mà ông đã bỏ hơn 10 năm cuối đời sưu tầm và chăm chút…
Cuối tháng 3 năm nay, tôi lên thắp hương cho nhà thơ Trinh Đường, thăm chị Lê Thị Hải và các cháu. Rất mừng là vợ con nhà thơ Trinh Đường mười một năm sau khi ông đi xa đã nỗ lực phấn đấu không ngừng. Vợ chồng Trương Thành Đồng đã sửa lại nhà cửa trong đó có phòng lưu niệm nhà thơ. Thành Đồng có một cô con gái học lớp 8, một cậu con trai học lớp 1. Trương Tản Viên trước tốt nghiệp đại học Thương mại, đi làm một dạo nay đang học năm thứ 6 Đại học Y khoa, sẽ đi vào ngành nhi khoa mà cháu ham thích. Vợ chồng Trương Tản Viên - Bùi Thị Cúc cuối năm này sinh cho ông bà Trinh Đường – Lê Thị Hải một cháu nội. Giữa tháng 4 năm 2012, gia đình ông vui mừng nhận tin nhà thơ Trinh Đường đã được đề nghị tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là một phần thưởng xứng đáng giành cho một tài năng, một nhân cách lớn, một con người yêu thơ nhất nước, một người trọn đời vì thơ.
Hà Nội, 12-4-2012
Trần Phương Trà



(1) Trích trong Tuyển tập Thơ Trinh Đường do Thanh Quế tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Đà Nẵng, tháng 10/2001

1 comment:

  1. Soccer 101: What You Need to Know about Betting on Soccer
    Soccer 101 is a sports guide to all aspects of soccer betting. Soccer Betting Advice · Betting Odds · Soccer Odds · Betting Lines 토토사이트 · Soccer Tips.

    ReplyDelete